Bác sỹ - GS.Nguyễn Nguyên Khôi đã nhận định rằng nguyên nhân mà 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận có thể do đường dịch gặp vấn đề.
Gần 30 năm làm Trưởng khoa Thận nhân tạo tại bệnh viện Bạch Mai, GS Nguyễn Nguyên Khôi cho hay, từ khi bắt đầu triển khai cho chạy thận nhân tạo từ năm 1972 đến nay, trường hợp tử vong khi chạy thận tại Việt Nam là có, nhưng chưa từng có tử vong tập thể như thế tại Hoà Bình hôm qua.
Một trong những bệnh nhân nặng được điều trị tại khoa hồi sức tích cực
Theo GS.Khôi, những trường hợp tử vong trong khi chạy thận hầu hết do trên nền các bệnh có sẵn, thường gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như: tăng huyết áp, tim ngừng đập do nhồi máu cơ tim... vì cơ thể không thích nghi ngay được. “Gần 5% các ca tử vong khi chạy thận nhân tạo do biến chứng về tim mạch sau đó mới đến các rối loạn chuyển hoá”, GS.Khôi nói.
GS Khôi chỉ ra quy trình lọc thận hết sức chặt chẽ, mỗi bệnh nhân sẽ chạy 3 ca/tuần, mỗi ca từ 3-4 tiếng.
Bước 1: Nhân viên y tế chuẩn bị đầy đủ máy móc.
Bước 2: Lắp đường máu cùng đường dịch cho bệnh nhân
Bước 3: Bệnh nhân bắt đầu tiến hành lọc máu. Y tá sẽ theo dõi và ghi chép đầy đủ từng chứng năng sống của bệnh nhân về mạch, huyết áp, đường thở.
B4: Kết thúc liệu trình.
GS.Khôi chia sẻ, trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch được chia riêng. Đường máu thì có quả lọc. Theo nguyên tắc, mỗi ngày nhân viên đều phải dùng hoá chất để sát trùng quả lọc, sau đó rửa sạch.
Vậy “BV đa khoa Hoà Bình đã làm việc này 10 năm thì không thể không biết rửa. Nếu rửa không sạch cũng chỉ tử vong khoảng 1-2 người chứ không thể hàng loạt được”, GS Khôi phân tích. Theo đó GS đưa ra nguyên nhân khiến 6 bệnh nhân chạy thận tại Hoà Bình tử vong là do đường dịch. Trong đó do dịch hoặc nước pha dịch chứ không thể do sốc phản vệ.
“Để pha dịch đậm đặc, phải dùng một loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước được xử lý không tốt hoặc do chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến cho nhiều bệnh nhân gặp biến chứng”, GS.Khôi nhấn mạnh.
Một chuyên gia khác cũng nhận định rằng, nếu sốc phản vệ thì chỉ 1-2 trường hợp do phản ứng với thuốc, hoá chất, thường có biểu hiện rét run, khi đó bác sĩ sẽ ngừng lọc máu để đưa đi cấp cứu.
Tuy nhiên, đối với trường hợp tử vong hàng loạt thì cần nghĩ đến hệ thống xử lý nước, quy trình rửa quả lọc, liệu có tồn dư hoá chất khác hay không.
Ông nghi ngờ trong quá trình sát trùng hệ thống nước, nhân viên bệnh viện đã để sót lượng hoá chất tồn dư cao, để rồi gây ra sự việc đáng tiếc trên.
Trong y văn, sốc do hóa chất sát khuẩn trong hệ thống nước là có thể xảy ra, với tỉ lệ 5% trong lọc máu. Các ca sốc trong khi chạy thận thỉnh thoảng cũng xảy ra tại Việt Nam nhưng chưa bao giờ xảy ra đồng loạt.
Trước đó, vào khoảng 8h sáng qua, có 18 bệnh nhân đang lọc máu chu kỳ tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình thì biểu hiện ngứa ngáy, buồn nôn, tăng huyết áp, khó thở.
Vào 23h đêm qua, đã có 7 bệnh nhân tử vong, 1 nguy kịch, 10 trường hợp khác nhẹ hơn được chuyển về BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét